Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

PHẦN DẪN NHẬP

[01].
GIỚI THIỆU CÂY MĂNG TÂY (ASPARAGUS)

Cây Măng tây (Asparagus), có tên khoa học là Asparagus Officinalis L., thuộc họ Măng tây Asparagaceae, có nguồn gốc ở bờ biển phía tây Châu Âu (từ miền bắc Tây Ban Nha tới Bắc Ai-len, Anh, và phía tây bắc Đức) nên chúng ta quen gọi là Măng tây để phân biệt với Măng ta (Măng tre, Măng le,…), là một loại cây trồng lâu năm nhằm mục đích thu hoạch chồi non Măng tây xanh làm rau thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, đã được du nhập vào nước ta từ thời Pháp thuộc theo chân những gia đình quan chức người Pháp.

Đến thập niên 1970, nhiều vùng trong nước đã trồng được cây Măng tây để lấy rau Măng tây tươi như Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng), Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bà Điểm (Hốc Môn),… nhưng ngày đó diện tích trồng rất ít và do không tìm được thị trường tiêu thụ nên cây không có điều kiện để phát triển. Gần đây, từ năm 2005, nhiều vùng như Củ Chi (TPHCM), Bến Lức, Đức Hoà (Long An), Long Thành (Đồng Nai), Sông Xoài, Suối Rao, Châu Pha (BRVT), Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước), Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu), Sóc Trăng, Vũng Liêm (Vĩnh Long), Chợ Lách (Bến Tre), Đăk Nông, Đăk Lăk, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh,... đã trồng được cây Măng tây để lấy rau Măng tây tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Ở nước ngoài, Măng tây là một loại rau thực phẩm giàu dinh dưỡng được mọi người dùng phổ biến như rau xanh trong bữa ăn hàng ngày giống như người Việt Nam mình ăn rau muống. Họ còn đông lạnh và đóng hộp dự trữ cho mùa đông và xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng do các quốc gia phường Tây ở vùng khí hậu ôn đới lạnh lẽo chỉ thu hoạch được rau Măng tây trong 3 tháng mùa Xuân (3 tháng hè phải dưỡng cây mẹ lấy nắng quang hợp với bộ lá cung cấp dinh dưỡng hữu cơ tổng hợp cho bộ rễ tích trữ, 6 tháng mùa thu và mùa đông cây úa vàng sinh lý, ngủ đông không phát triển và không cho Măng) nên nhu cầu nhập khẩu rau Măng tây của thế giới rất lớn (hàng triệu tấn/năm) và hiện cũng còn tăng cao từng năm, chủ yếu là thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...

Về diện tích trồng, tính đến năm 2007 các nước Châu Á như Trung Quốc đã trồng 90.000 ha cây Măng tây sản lượng >1.000.000 tấn/năm, Nhật Bản trồng 7.000 ha, Thái Lan và Đài Loan mỗi nước trồng 1.500 ha, Philippine trồng 1.200 ha,... Ở Châu Âu, Tây Ban Nha đã trồng được 17.000 ha, CHLB Đức trồng 15.000 ha, Pháp trồng 11.000 ha, Italia (Ý) và Greece (Hy Lạp) mỗi nước trồng 6.000 ha,... Ở Châu Mỹ, Hoa Kỳ đã trồng được 33.500 ha, Peru trồng 20.000 ha, Mexico trồng 15.000 ha, Chile trồng 4.000 ha, Argentina trồng 2.000 ha, Canada trồng 1.500 ha,... Ở Châu Úc, Australia trồng 4.500 ha, New Zealand trồng 2.200 ha,... Ở Châu Phi, Nam Phi cũng trồng được 2.500 ha,…

Để tiếp tục duy trì, phát triển thêm sản lượng Măng đang cung cấp cho thị trường thế giới, hiện nay tại 65-70 quốc gia có trồng cây Măng tây vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây trên đất mới mỗi năm để luân phiên trẻ hóa, thay thế dần từng phần các diện tích đất đã trồng cây Măng tây từ 8-15 năm trước đến nay phải bỏ đi.

Ở nước ta, bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, các nhà hàng, khách sạn và thực khách đã biết đến giá trị dinh dưỡng và tác dụng phòng, chữa bệnh của rau Măng tây, nên đã bắt đầu có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau Măng tây xanh, ngày càng tăng thêm rất nhiều.

Từ đầu thập niên 1980, Công ty Rau quả TPHCM đã trồng thành công cây Măng tây tại Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc. Đến năm 1988, một Việt kiều đã mang giống cây Măng tây “Mary Washington” về trồng ở Ðà Lạt, nhưng khi cây Măng tây vừa được 2-3 tháng tuổi, người trồng đã cắt những cành lá kim xinh tươi làm kiểng đem bán kèm với hoa hồng và các loại hoa cắt cành để lấy tiền, khiến dự án lúc đó bị thất bại.

Mười bảy năm sau, năm 2005 cây Măng tây lại được Trung tâm Khuyến nông TPHCM đưa về trồng thí điểm 4 ha tại các xã Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ và Nhuận Đức, kết quả cho thấy cây vẫn sinh trưởng được trên vùng đất xám nghèo dinh dưỡng ở Củ Chi, bước đầu chuyển đổi cây trồng cho bà con nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, có triển vọng mở ra thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.

Với số vốn đầu tư chi dần trong 6 tháng đầu tiên khoảng 100-200-300.000.000 đ/ha (tuỳ chất lượng đất và cách đầu tư), người trồng Măng tây ở nước ta có thể thu hoạch năng suất ổn định #50-100-150 kg Măng tây tươi/ngày/ha x bình quân 30.000 đồng/kg = khoảng 3.000.000 đ/ngày/ha x khoảng 200 ngày thu hoạch/năm = doanh thu #600.000.000 đ/năm/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng cũng còn thu nhập được khoảng 250.000.000 - 300.000.000 đồng/năm/ha.

GIÁ THU MUA SẢN PHẨM RAU MĂNG TÂY TẠI TPHCM (2010) :

@ Loại 1: Đường kính giữa thân >10-15 mm, dài 23-25 cm:
Cty Cẩm Hon: 30-40.000 đ/kg – Cty Việt Hoa Mỹ: 40-50.000 đ/kg
@ Loại 2: Đường kính giữa thân >06-10 mm, dài 23-25 cm:
Cty Cẩm Hon: 15-20.000 đ/kg – Cty Việt Hoa Mỹ: 25-30.000 đ/kg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét