Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

06. CÁCH LÀM CỎ TRÊN ĐẤT TRỒNG CÂY MĂNG TÂY


Trồng cây Măng tây trên diện tích lớn, làm cỏ bằng tay sẽ tốn nhiều công sức và mất rất nhiều thời gian. Cần chủ động tính trước việc làm cỏ ngay từ khi chuẩn bị đất trồng, để có thể sử dụng máy làm cỏ kết hợp xới xáo đất (có thể tự chế), máy xẻ rãnh bón phân và lấp rãnh bón phân (có thể tự chế) về sau:

- Từ khi chuẩn bị đất trồng, cần làm cỏ thật sạch, phun thuốc diệt mầm cỏ thật kỹ, kết hợp phòng ngừa sâu bệnh.

- Khi chuẩn bị liếp trồng, cần căng dây lấy mực để xẻ rãnh, lên liếp, trồng cây cho thẳng hàng cách nhau 100 cm (mặt liếp đất trồng) và 20 cm (mặt rãnh thoát nước). Biện pháp này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc làm cỏ bằng máy làm cỏ kết hợp xới xáo đất (có thể tự chế), đồng thời tạo đường đi thuận lợi để dùng máy xẻ rãnh bón phân và lấp rãnh bón phân (có thể tự chế), chăm sóc cây và vận chuyển măng thu hoạch sau này.

- Sau khi trồng, trước mỗi định kỳ bón phân 15 ngày/lần, cần làm cỏ thường xuyên, dứt điểm ngay từ khi cỏ còn non, không để cỏ già rơi hạt tái sinh ra lớp cỏ con cháu. Trong mùa mưa tuyệt đối không nên dùng rơm, trấu, mạt cưa,... chưa xử lý mầm bệnh (bằng sulfat đồng hoặc nước vôi) để phủ gốc thay việc làm cỏ.

- Trong thời gian mới trồng từ 1-5 tháng tuổi, do cây còn nhỏ nên bộ rễ chưa phát triển rộng, để hạn chế cỏ người trồng có thể dùng bạt nilon hoặc dùng mạt cưa, trấu, tro trấu đã xử lý mầm bệnh, hoặc trồng rau ăn lá phủ gốc cây măng. Nhưng cần nhớ, khi bộ rễ cây trưởng thành đã trải rộng ra 50-70-90 cm và cây đã cho thu hoạch măng thì không nên dùng bạt nilon phủ gốc để khử cỏ nữa, vì như vậy sẽ vô tình ngăn cản sự quang hợp của ánh nắng mặt trời và phong toả dưỡng khí hô hấp của bộ rễ, phá hỏng sự phát triển bình thường của bộ rễ và các chồi măng non, ảnh hưởng nặng nề sự phát triển của cây măng về sau, hậu quả có khi phải huỷ bỏ cả vườn măng, rất khó lường trước!!

- Sau mỗi lần bón phân, cần lấy lớp đất mặt hai bên mép liếp vun cao 10 cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ cây măng, giữ cây đứng thẳng, đồng thời tạo độ dốc nghiêng về 2 mép liếp để thoát nước tưới. Cách làm này cũng giúp ích rất nhiều cho việc kiểm tra và hạn chế cỏ dại.

- Cũng có thể cẩn thận dùng thuốc diệt cỏ và sâu hại cây măng trong giai đoạn tạm ngưng thu hoạch măng chờ dưỡng cây mẹ thay thế. Chú ý sử dụng thuốc diệt cỏ và bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn theo nguyên tắc “4 đúng” và theo tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP hoặc GlobalGAP, không để dư lượng thuốc ảnh hưởng chồi măng và làm mất sức cây măng, đồng thời phải bảo đảm thời gian cách ly đúng quy định bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ có một số loại thuốc trừ cỏ có thể dùng được cho cây Măng tây như: Napropamide, Dual, Whips, Onecide, Trifluralin, Agropac, Fagon, Terbacil, Dicamba…

+ Lưu ý: Cần phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật, vì chồi Măng tây xanh rất nhạy cảm khi tiếp xúc với các loại thuốc độc hại này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét